Kinh nghiệm bếp núc

Cách sử dụng nồi chiên không dầu và các mẹo vặt hữu ích giúp nấu nướng ngon hơn

Một trong những điều mình gặp phải trong thời gian đầu sử dụng nồi chiên không dầu là nấu mà chẳng thấy món nào ra hồn  😆 . Không cháy xém thì cũng chẳng ngon giòn như mong muốn. Nhưng sau vài tuần sử dụng thì mọi thứ khá lên nhiều, kiểu trời không phụ lòng người vậy ớ  😆 . Đó là do mình cũng đã quen, và biết cách chỉnh nhiệt với từng món ăn sao cho phù hợp với cách nấu bằng nồi chiên không dầu.

Về cơ bản, nồi chiên không khí là những lò nướng mini, công suất lớn và sử dụng không khí làm phương tiện truyền nhiệt. Trong khi chiên ngập dầu sử dụng chất béo làm phương tiện truyền nhiệt. Nên mình nghĩ cũng cần đôi chút thay đổi và kỹ năng để thức ăn chín ngon so với nấu nướng bằng các dụng cụ truyền thống  😉 .

Cách sử dụng nồi chiên không dầu cho người mới dùng

Khi mới làm quen với nồi chiên, mình thấy cần nhớ một vài thao tác và nguyên tắc cơ bản, để thành thục và hiểu nồi chiên nhà mình hơn khi nấu nướng. Khi đó, chắc chắn chúng ta sẽ cảm nhận được sự tiện lợi thay vì bất lợi khi dùng ẻm  😉 .

Cách sử dụng nồi chiên không dầu cho người mới dùng
Tấm chắn dầu nồi chiên giúp bảo vệ dây mayso rất ổn – Ảnh: Internet
  • Sau khi “đập” hộp, tháo rổ chiên, khay hứng dầu mỡ để rửa sạch và phơi khô. Nơi đặt nồi chiên cần chịu nhiệt tốt và cách tường khoảng 10cm vì nồi tỏa nhiệt khá nóng. Để khử mùi lần đầu, cần cho nồi chạy không tải (không có thức ăn) trong khoảng 10 phút để khử mùi nhựa, mùi hóa chất. Nếu muốn có mùi dễ chịu thì có thể khử mùi bằng bã trà như mình làm bên dưới hen.
  • Không cần tắt nồi chiên khi muốn lấy rổ ra xem tình trạng đồ ăn, máy sẽ tự tắt khi giỏ chiên không còn trong lòng nồi. Khi đóng lại cần đóng hết cỡ, nồi sẽ bật nấu bình thường.
  • Khi nấu, luôn phải có rổ chiên nhé.
  • Rổ chiên có lỗ cho phép không khí được luân chuyển quanh thức ăn và giúp không bị đọng dầu mỡ. Nếu có lót giấy bạc, giấy nến thì cũng lót khéo để chừa đường cho thoát dầu mỡ nhen.
  • Khi hoạt động máy sẽ có tiếng ồn, to nhỏ là tùy máy, tùy hãng, vì quạt hoạt động mà ^^.
  • Muốn thức ăn chín vàng đều thì nên lấy rổ ra đảo đồ ăn vài lần trong khi nấu. Một số lò xin, cao cấp chức năng đối lưu hoàn hảo thì khỏi cần, nhưng miếng thịt dày thì vẫn nên thực hiện, để ngon hơn.
  • Nên tham khảo bảng hướng dẫn chung về thời gian và nhiệt độ cho từng loại thực phẩm. Giỏ càng chứa ít đồ ăn thì thời gian nấu càng ngắn và ngược lại.
  • Vì nồi chiên nóng rất nhanh và khoang nồi nhỏ nên cần chỉnh nhiệt thấp hơn các công thức nấu ăn thông thường, để đảm bảo đồ ăn chín bên trong, bên ngoài không cháy xém.
  • Và mình cũng không cần rã đông thực phẩm khi nấu với nồi chiên không dầu, thức ăn vẫn chín thơm ngon như thường ạ  🙂 .

Mẹo vặt nấu ngon với nồi chiên không dầu

Mẹo vặt nấu ngon với nồi chiên không dầu
Không nên quá tham để kín thịt trong rổ chiên, thức ăn sẽ chín ngon hơn- Ảnh: Internet

Mẹo vặt nấu ngon

Một số tips mình “góp nhặt” sau nhiều pha đau thương không đỡ kịp  😛 , dành cho các bạn đang làm quen dần với nồi chiên hen.

  • Với những món ăn lần đầu nấu với nồi chiên, mình thường dành thời gian để canh. Canh gì hở? Canh nhiệt, canh bề mặt đồ ăn (để không bị cháy đen thui  😀 ), canh xem với lượng thức ăn như vậy thì thời gian mỗi giai đoạn (làm chín, làm giòn…) là bao lâu. Chừng mấy lần rành là bỏ vô ào ào, ấn nút ì xèo, đợi xíu là đồ ăn chín ngon lành luôn  😉 .
  • Công thức trên mạng nên để dành tham khảo  😎 . Khi áp dụng cho nồi chiên mỗi nhà cần phải điều chỉnh cho phù hợp nhen. Ví dụ, nồi chiên Philips thường nhiệt nóng hơn các hãng khác, nên cần giảm bớt 10 – 20 độ để đồ nướng không bị cháy mặt nếu dùng công thức nhiệt của nồi khác.
  • Các món muốn giòn ngon thì nên làm nóng lò 10 phút trước khi cho đồ ăn vào. Sau đó xịt một lớp dầu mỏng ở bề mặt thức ăn. Ví dụ: phồng tôm, chả ram (chả giò), gà vịt da giòn…
  • Với thịt nguyên tảng lớn (sườn nguyên bẹ, heo quay nguyên tảng…), cần ướp gia vị cơ bản, tránh ướp chất ngọt ngay từ ban đầu. Lần 1 nướng ở nhiệt THẤP (160-170 độ), thời gian DÀI (15-20 phút) để đồ ăn chín từ trong ra ngoài.
    Lần 2 sau khi đồ ăn chín mới quết sốt lên, chỉnh nhiệt LỚN (190-200 độ) trong thời gian NGẮN (khoảng 5 phút) để lớp da/ lớp ngoài vàng giòn, không bị cháy. Thời gian có thể khác nhau tùy độ dày mỏng của miếng thịt, cá nhen.
    Đa phần thịt “bóng đêm” xuất hiện là do chúng ta cho sốt (có vị ngọt vô quá sớm), điều chỉnh đôi chút chỗ này thịt sẽ ngon thôi.
  • Không nên quá “tham” khi bỏ thức ăn vô nồi. Đồ ăn cắt mỏng, để hơi thưa trong nồi, không xếp chồng lên nhau thì không cần lật vì khí nóng vẫn di chuyển được. Còn món nào dày thì tốt nhất nên trở mặt để ngon như ý dù nồi đối lưu ha.

🙂  Mình không phủ nhận độ tiện lợi của nồi chiên không dầu, nhưng cũng thẳng thắn là có những món, cách nấu truyền thống dành riêng cho món đó vẫn là ngon nhất, nồi chiên không thể sánh bằng. Nói vầy để các chị em nội trợ không bị lầm tưởng và thần thánh hoá nồi chiên, để rồi mua về bảo vỡ mộng, không như mong đợi 😜. Chả ram thì chiên dầu vẫn “the best”, thịt nướng thì than hoa vẫn nhất, cả nhà nhỉ?  😉

Mẹo vặt nấu ngon với nồi chiên không dầu
Xịt một lớp dầu ăn mỏng bên ngoài giúp thức ăn giòn ngon hơn- Ảnh: Internet
  • Tiếp đến là công tác vệ sinh cho ẻm. Để bớt cực (do làm biếng ớ  😆 ), mình vẫn thường lót giấy bạc, giấy nến (có lỗ/ không lỗ) ở rổ chiên khi nấu nướng. Tùy thiết kế nồi mà lót giấy sao cho hơi nóng vẫn chuyển động được trong lò ổn nhen. Mình cũng đọc được trong group nấu ăn nào đó, chia sẻ cách dùng lá chuối lót, món ăn vẫn thơm ngon như thường, mà đỡ tốn kém nữa 😋.
  • Nếu bạn muốn làm chín thức ăn theo cách nướng thì khỏi cần xịt dầu. Còn muốn lớp ngoài giòn thì nên sắm 1 bình xịt dầu để phủ một lớp dầu mỏng, giúp kích thích quá trình caramen hóa và chống dính tốt hơn. Cách này cũng áp dụng với những món ăn tẩm bột bên ngoài như thịt tẩm bột chiên giòn xù… Nhưng không nên xịt nhiều dầu, vì dầu nhiều sẽ bốc khói trong khi nấu, và cũng ko giảm lượng dầu nạp vào cơ thể  :mrgreen: .
  • Các công thức chỉnh nhiệt trong lò nướng thông thường, khi dùng cho nồi chiên cần giảm khoảng 20-25 độ để thực phẩm chín mà không cháy, do khoang nồi nhỏ nên nhiệt nóng hơn lò nướng nhiều á.
  • Nồi chiên dùng để hâm nóng đồ ăn rất tốt mà không làm thức ăn mềm nhũn như lò vi sóng, nhất là với các món cần độ giòn như bánh mì, pizza, heo quay…  ➡ Nên kinh nghiệm rút ra là hâm nóng mềm dùng lò vi sóng, hâm nóng giòn dùng nồi chiên.
  • Thứ tự làm các món ăn cũng giúp việc trong bếp nhàn hơn. Chẳng hạn các món chiên thô, không có sốt thì nên làm trước, các món có sốt nên làm sau để đỡ rửa nồi chiên nè.

Khử mùi nồi chiên mới mua, hay mùi đồ ăn ám lâu ngày như thế nào?

Khử mùi nồi chiên mới mua, hay mùi đồ ăn ám lâu ngày như thế nào?
Bã trà giúp khử mùi nồi chiên hữu hiệu – Ảnh: Internet

Một trong những mùi khó chịu từ nồi chiên không dầu là mùi nhựa khi nồi mới bóc tem và mùi ám của đồ ăn nặng mùi tròn quá trình nấu nướng.

➡ Để khử mùi hóa chất hay mùi nhựa mới của nồi mới tậu thì mình cho nồi hoạt động không tải (không có thức ăn bên trong) để khử mùi trong 10 phút.

➡ Còn sau mỗi lần nấu, mùi thức ăn ám nhiều thì chỉ cần dùng bã trà hoặc các túi lọc trà đã dùng rồi, để vào lòng rổ, bật 170 độ trong 15 phút.
Sau đó tắt nồi và để nguyên bã trà bên trong, để khi nồi chiên nguội hoàn toàn. Mình thường vệ sinh mùi kiểu này và để qua đêm (khỏi phải canh ^^). Sáng ra là nồi chiên sạch boong. Nếu dùng trà túi lọc hương trái cây thì mùi sau khi khử cũng thoang thoảng dễ chịu lắm  🙂 .

Cách vệ sinh nồi chiên không dầu đúng cách và bền

Cách vệ sinh nồi chiên không dầu đúng cách và bền
Với những món cần giòn, làm nóng lò trước 5 phút – Ảnh: Internet
  • Tương tự như chảo chiên không dính, sau khi dùng, để rổ chiên, rổ hứng dầu nguội (rửa ngay lúc nóng bị tróc lớp chống dính á), mình dùng dùng giấy lau bớt dầu mỡ dư rồi mới rửa. Vừa sạch, vừa đỡ tốn nước rửa chén. Dầu dư nhiều thì bỏ vô chai nước suối bỏ đi, để không bị tắc cống ha. Dùng giẻ lau mút mềm rửa, không dùng búi sắt cọ rửa.
    Mấy nhà mà dùng giấy nến lót thì dầu vẫn giữ trên tô giấy nến nên cũng không cần đem đi rửa làm chi  😎 .
  • Mặt ngoài nồi chiên, dùng khăn sạch và dung dịch lau đa năng để làm sạch vết bẩn.
  • Phần dây mayso, vì đã có tấm inox chắn dầu (phụ kiện mình mua thêm), nên cũng hạn chế được dầu mỡ bắn lên rất nhiều. Nếu thấy bị dơ nhẹ thì lấy khăn nhúng nước ấm lau thôi, mình không dùng baking soda  🙄 .
  • Khi nào thấy dơ nhiều thì mình gửi đi hãng để vệ sinh thôi ạ. Tuy nhiên, mình vẫn với nguyên tắc là mỗi ngày siêng một ít thì sẽ đỡ cực khi lâu lâu mới vệ sinh một lần, nên cũng không bị đóng cặn dày đặc ^^. Còn nếu chùi rửa cực quá làm nản chí anh hùng thì chắc chỉ có cách khỏi xài, khỏi rửa  😆 .

Nhiệt độ và thời gian nấu tham khảo cho một số loại thức ăn

Nhiệt độ và thời gian nấu tham khảo cho một số loại thức ăn
Mỗi loại thức ăn cần chỉnh nhiệt và thời gian phù hợp để chín ngon – Ảnh: Internet

Nồi chiên không dầu mỗi hãng khi mua về sẽ có hướng dẫn tham khảo cách chỉnh nhiệt và thời gian cho từng món ăn. Chúng ta có thể dựa vào đó và thử nấu với nồi nhà mình một vài lần xem như thế nào, và điều chỉnh để món ăn ưng ý hơn nè.

Tùy vào kích cỡ, độ dày mỏng, đông lạnh hay còn tươi mới của miếng thịt/ nguyên liệu mà chúng ta cần tăng giảm thời gian. Bên dưới là một số loại thực phẩm (heo, gà, rau củ) mình thường dựa vào để chế biến bằng nồi chiên. Cả nhà nếu còn đang phân vân chưa biết nên chỉnh ở mức nhiệt bao nhiêu thì có thể tham khảo nhé. Sẽ chẳng có một công thức nhiệt chính xác nào cho chị em đâu, cần cảm nhận và thử vài lần rồi sẽ quen hết thôi à  😉 .

Loại thức ăn Nhiệt độ Thời gian Làm nóng trước
Cánh gà 180 12-14′
Đùi gà 180 20′
Ức gà 180 15′
Cốt lết 200 15′
Thịt viên 200 9-10′
Sườn cây 170-200 20′ đầu 170, 5′ sau 200
Bít tết/ Sườn cừu 200 10-14′
Ba rọi nguyên miếng 200 20′
Cá hồi, tôm 200 6-8′
Phồng tôm 200 2-3′ Nên
Ốc, sò 200 5′
Chả giò, sủi cảo 200 8-10′ Nên
Thịt bằm 180 8-10′
Xúc xích, lạp xưởng 180 5′
Khoai tây chiên 180 18′ Nên
Mực chiên bột 180 8′
Đậu hũ 190 8-10′ Nên
Khoai củ (khoai tây, khoai lang) 200 25′
Khoai cắt thanh dọc 180 20′
Hạt điều, đậu phộng nguyên vỏ 170-180 15-18′
Nấm đông cô, đậu phộng hạt 170-180 7-8′
Cà tím nguyên quả 200 20′
Cà tím lát 200 10′
Đậu bắp 200 4′
Bí ngòi, bí đỏ 200 12′
Bắp 200 11′
Súp lơ 200 6′

 

Sắp tới mình sẽ chia sẻ một số món ruột mà nhà thường nấu bằng nồi chiên hen. Thương mến!

Trả lời