Dụng cụKiến thức cơ bản

Nên mua lò nướng loại nào? Kinh nghiệm chọn lò nướng gia đình và kinh doanh online nhỏ

Làm sao để mua được chiếc lò nướng ưng ý? Nên mua lò nướng loại nào để nướng bánh ngon và đẹp. Cùng mình tham khảo bài viết nha.

Tiêu chí chọn mua lò nướng

Đầu tiên, theo mình, để xem bản thân có thực sự cần một chiếc lò nướng hay không thì chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi như:

  1. Mình có nướng bánh (bánh mì, bánh bông lan, cupcake…) thường xuyên không?
    Có thì chắc chắn nên – cần – nhất thiết phải mua rồi nha  😆 . Nướng bánh bằng lò nướng chuyên dụng vừa chất lượng, vừa đỡ tốn thời gian canh chỉnh thay vì dùng lò thủy tinh, nồi chiên không dầu…

    Tiêu chí chọn mua lò nướng
    Nhu cầu nướng bánh nhiều rất cần một chiếc lò nướng
  2. Mình có thích ôm lò làm bánh không?
    Đam mê bánh trái thì phải triển liền một em lò nướng đúng không nè? Còn ngược lại, nếu không thích làm bánh mà chỉ cần làm những món thịt nướng, thịt quay, hải sản nướng… thì có lẽ nồi chiên không dầu phù hợp với bạn hơn.
    Hiện nay thì nồi chiên không dầu cũng đã có dung tích 15 lit, tương tự như một lò nướng mini rồi. Thậm chí, tích hợp nhiều chức năng nữa chứ.
  3. Nhu cầu nướng mỗi lần nhiều không? Có ý định bán online nhỏ không?
    Trả lời câu hỏi này để biết được mình cần mua lò bao nhiêu lít nè.
    Nếu nhu cầu dùng cho gia đình 3 – 4 người thì lò nướng tầm 40 – 50 lit là thoải mái rồi.
    Nếu có ý định kinh doanh online thêm thì nên sắm lò từ 70 – 120 lít nhen  😉 . Gì chứ biết làm bánh rồi, cộng thêm bạn bè, người thân khen hoài là tự nhiên nghĩ tới bán online liền à.
  4. Không gian bếp/ không gian để lò nướng của mình phù hợp với loại lò nướng nào?
    Nếu không gian rộng rãi thì việc mua lò lớn hay lò nhỏ không thành vấn đề, nó chỉ phụ thuộc vào nhu cầu mà bạn cần thôi. Nhưng nhiều bạn sống ở chung cư và thường thì bếp đã được thiết kế kệ tủ sẵn. Khi phát sinh mua lò thì cần xem xét khoảng trống để nhét vừa lò nha.

    Tiêu chí chọn mua lò nướng
    Với những căn nhà có kệ tủ đã được đo ni đóng giày thì cần cân nhắc nhiều về kích thước lò trước khi chọn mua – Ảnh: Internet
  5. Bạn tin tưởng và muốn lựa chọn thương hiệu lò nướng nào?
    Lò nướng phổ biến ở Việt Nam thường có xuất xứ từ Trung Quốc (Ukoeo, Jieguan, Pensonic…), lò  châu Âu (Bosch, Hafele, Teka, Fagor…) hay Mỹ (Whirlpool…).
    Lò châu Âu và Mỹ thường là lò nướng âm tủ, hoặc lò đi kèm bếp. Các lò nướng Trung Quốc thường là lò nướng thùng, không cần số đo kích thước khắt khe như lắp đặt lò nướng âm, nhưng cũng cần không gian đủ để đặt lò.
  6. Ngân sách mua lò của bạn khoảng bao nhiêu tiền?
    Đây là một trong những yếu tố quyết định xem em lò nào sẽ được rinh về nhà của mỗi nàng nè  😀 . Đôi khi câu chuyện hầu bao nó còn át luôn các tiêu chí mua lò nướng bên trên phải không các bạn?  🙂

Nên mua lò nướng loại nào? Loại lò nướng phổ biến tại Việt Nam

Ở nước ngoài hay tại các căn bếp hiện đại, người ta thường trang bị bộ bếp nấu đi kèm lò nướng âm tủ. Tuy nhiên, kiểu bếp này vẫn chưa thịnh hành tại Việt Nam khi mà lò nướng thường được sắm riêng khi có nhu cầu.

Làm quen với bánh trái một thời gian, bên dưới là một số loại lò nướng mình thấy phổ biến và được chị em tìm kiếm nhiều.

Lò thùng gia đình

Lò nướng thùng có cấu tạo gồm thanh nhiệt trên và thanh nhiệt dưới. Các thanh nhiệt có thể dạng thẳng song song, hình chữ U, chữ M, hay thanh nhiệt dạng chạng 3. Các lò từ 20 lít trở lên thường có quạt tản nhiệt để nhiệt phân bố đều hơn trong khoang lò.

Nên mua lò nướng loại nào? Loại lò nướng phổ biến tại Việt Nam
2 thanh nhiệt chữ M bên trong lò nướng Hauswirt C76S Pro

❗  ❗ Tuy nhiên, lò nướng thùng gia đình có quạt tản nhiệt hay quạt đối lưu, khi bật quạt lên không có nghĩa là ta có thể nướng nhiều khay. Lò gia đình chỉ nướng được 1 khay 1 lần thôi. Nhiều bạn nhầm tưởng có quạt đối lưu là sẽ nướng được 2 hay nhiều khay cùng lúc, nhưng không phải vậy đâu nhen.

Lò gia đình Trung Quốc

Đặc điểm đầu tiên của đa số lò nướng thùng Trung Quốc (nhất là lò điều chỉnh cơ học) là nhiệt chênh lệch và tụt nhiệt nhanh khi mở lò. Chênh nhiệt giữa thanh nhiệt trên và dưới (nhiệt trên quá cao – nhiệt dưới quá thấp hoặc ngược lại) và chênh giữa nhiệt bên trong lò và nhiệt vặn bên ngoài.

Các hãng lò nướng Trung Quốc thường nghe như Pensonic, Sanaky, Ukoeo và Hauswirt. Riêng lò nướng Hauswirt là lò điện tử có chip cảm ứng nhiệt, nên thao tác, chế độ dùng thông minh và nhiệt chuẩn hơn các lò nướng cơ còn lại.

Nên mua lò nướng loại nào? Loại lò nướng phổ biến tại Việt Nam
Lò nướng Ukoeo là một trong những thương hiệu lò được dùng phổ biến – Ảnh: Internet

Lò Ukoeo cũng được chị em đánh giá khá tốt về mức giá và chất lượng lò. Tuy vẫn bị tụt nhiệt nhanh, nhưng nhìn chung nhiệt lò Ukoeo tương đối đều và ổn định.

Các lò nướng gia đình xuất xứ Trung Quốc nướng thịt cá, sấy hạt, rau củ, bánh bông lan, bánh mì ngọt, bánh quy… rất tốt. Với các loại bánh cần nhiệt cao như pizza hay bánh mì giòn thì… nếu độ chênh nhiệt không nhiều và kết hợp một số kỹ thuật giữ nhiệt cho lò thì nướng mới ngon lành nhen.

Lò gia đình xuất xứ Âu, Mỹ

Nên mua lò nướng loại nào? Loại lò nướng phổ biến tại Việt Nam
Lò nướng âm kết hợp với bếp nấu Whirlpool – Ảnh: Internet

Ưu điểm của lò đến từ châu Âu, Mỹ là nhiệt làm nóng nhanh, ổn định, lò khá nặng và thành dày nên giữ nhiệt cực tốt, không thoát nhiệt nhanh như lò Trung Quốc. Hầu hết các lò Âu, Mỹ thường là lò âm tủ. Mức độ chênh nhiệt của các lò không quá nhiều nên nướng các loại bánh cần nhiệt cao rất tốt.

Lò sàn

Mình nghĩ nếu nhu cầu chỉ làm bánh cho gia đình thôi thì không cần phải suy nghĩ gì đến lò sàn làm gì  😉 . Lò sàn được dùng phổ biến trong các tiệm bánh nhỏ hoặc tiệm bánh homemade.

Nên mua lò nướng loại nào? Loại lò nướng phổ biến tại Việt Nam
Lò sàn 1 khay của Ukoeo

Lò sàn sử dụng công nghệ nhiệt tĩnh, khoang lò rộng và nhiệt có thể điều chỉnh nhiệt trên/ dưới riêng biệt từ 50 – 300 độ C nên thích hợp nướng tất cả các loại bánh, kể cả các loại bánh cần nhiệt cao như pizza  🙄 . Một lần nướng được nhiều bánh nên rất lợi công sức và thời gian luôn.

Lò sàn thường có kích thước lớn, thành lò dày chắc chắn và nặng (từ 40kg trở lên) do được làm hoàn toàn bằng kim loại. Trong khoang lò không có các rãnh để di chuyển khay nướng lên xuống như lò gia đình.

Các thương hiệu phổ biến là Berjaya (Malaysia), Southstar (Trung Quốc), Ukoeo (Trung Quốc).

❗ Nếu chị em muốn dùng lò sàn thì cần lưu ý về đường dây tải điện đảm bảo phải đủ cho lò hoạt động. Vì công suất lò lớn nên hạn chế dùng ổ cắm điện chung với các thiết bị tiêu thụ điện khác nhen.

Lò đối lưu

Lò đối lưu là lò nướng có thể nướng nhiều khay cùng lúc. Lò đối lưu hoàn toàn khác với lò gia đình có quạt đối lưu nhen  🙂 . Mình nhấn mạnh để tránh suy nghĩ… cứ lò nào có quạt đối lưu thì có thể nướng nhiều khay cùng lúc ha.

Đây là lò được sản xuất theo công nghệ nhiệt động. Nhiệt tỏa ra từ các thanh nhiệt được các quạt thổi mạnh đi các hướng trong lò và giữa các khay để đảm bảo nhiệt độ truyền đi các vị trí trong lò đều nhau.

Nên mua lò nướng loại nào? Loại lò nướng phổ biến tại Việt Nam
Lò đối lưu Unox là niềm mơ ước của nhiều bếp bánh – Ảnh: Internet

Đặc điểm của lò đối lưu là nhiệt rất bốc, cực kỳ thích hợp nướng các loại bánh mì, bánh quy, bánh trung thu… Vừa nướng được số lượng lớn, bánh vừa chất lượng. Chính vì nhiệt bốc nên đối với các loại bánh nướng cần thời gian và nhiệt “điềm đạm” hơn như bánh nở bằng lòng trắng trứng nên chủ lò đối lưu sẽ vất vả hơn các lò khác đó ạ  😎 . Ngoài ra, lò đối lưu cũng ngốn điện kha khá nữa.

Kinh nghiệm khi sử dụng lò đối lưu của mình là canh và điều chỉnh nhiệt giảm khoảng 20 – 25 độ so với nhiệt chuẩn nướng bằng lò gia đình. Vì hoạt động liên tục của quạt làm tăng nhiệt bên trong lò, nên cần trừ hao nhiệt vặn để canh nhiệt chuẩn.

Cái tên mà ai cũng muốn sở hữu trong dòng lò đối lưu là Unox, giá nhìn chung là… cao, một số lò có cái giá mà mình không nghĩ tới luôn  😎 . Tuy nhiên, những nhược điểm như nhiệt tản không đều làm bánh ở một số góc không chín/ không đẹp như chỗ khác thì rất ít khi xảy ra. Đúng là đắt xắt ra miếng  😉 .
Ở phân khúc giá mềm hơn, chúng ta có thể tham khảo lò của Nerone, EAT, Jieguan…

Lò đối lưu có kích thước gọn hơn lò công nghiệp, nên đây cũng có thể là giải pháp thay thế nếu bạn bị giới hạn về diện tích bếp.

Lò công nghiệp

Nên mua lò nướng loại nào? Loại lò nướng phổ biến tại Việt Nam
Lò nướng công nghiệp dùng cho các tiệm bánh với số lượng nhiều – Ảnh: Internet

Là loại lò thích hợp với các tiệm bánh kinh doanh hơn là bán hàng online và dùng trong gia đình.

Lò có kích thước lớn để nướng được số lượng lớn trong một mẻ, nhiệt ổn định cực kỳ, chỉ cần chỉnh nhiệt và thời gian rồi đợi lấy bánh thôi  😉 .

Nếu định mở tiệm kinh doanh thì chiếc lò công nghiệp là trợ lý đắc lực đó ạ.

Các loại máy khác có thể nướng khác

Nhiều gia đình vẫn thường linh hoạt tận dụng máy móc sẵn có trong nhà để thay thế lò nướng. Có thể kể đến như:

  • Nồi chiên không dầu (Air Fryer)

Cơn bão nồi chiên không dầu (NCKD) đến giờ vẫn chưa hết hot phải không chị em? Ai ai cũng muốn có chế độ ăn bớt dầu mỡ và tốt cho sức khỏe hơn, nên NCKD không còn xa lạ với nhiều căn bếp nữa.

Nên mua lò nướng loại nào? Loại lò nướng phổ biến tại Việt Nam
Nồi chiên không dầu là trợ thủ trong gian bếp của bà nội trợ – Ảnh: Internet

Về cấu tạo, NCKD chỉ có thanh nhiệt trên và một cánh quạt phía trên nắp để tản nhiệt, làm chín đồ ăn trong khoang nồi. Nên nếu dùng NCKD thì có thể nướng ngon các loại hải sản, thịt, cá và đa số phải lật mặt thực phẩm khi nướng.

Mình vẫn thường xuyên thấy nhiều bếp tận dụng NCKD để nướng một số loại bánh. Nhưng chất lượng chắc chắn sẽ không chuẩn vì nồi chỉ có 1 thanh nhiệt xoắn phía trên như mình đã đề cập. Hơn nữa, dung tích lò khá nhỏ so với lò nướng, thực phẩm tiếp xúc với thanh nhiệt quá gần dễ gây cháy, nên vừa nướng bánh vừa canh chừng khá mệt  🙄 .

  • Nồi thủy tinh

Thanh nhiệt của nồi thủy tinh là đèn halogen cũng ở phía trên nắp. Mình thấy đồ ăn được làm chín trong lò thủy tinh như nửa được hấp, nửa được nướng  😛 .

Nên mua lò nướng loại nào? Loại lò nướng phổ biến tại Việt Nam
Nồi nướng thủy tinh dùng đèn halogen để sinh nhiệt – Ảnh: Internet
  • Lò vi sóng có chức năng nướng

Ngoài chức năng chính là làm lò vi sóng, phía trên của lò có thêm 1 – 2 thanh nhiệt để phục vụ chế độ nướng. Và nướng ở đây cũng chỉ nướng lửa trên + quạt thổi tản nhiệt bên hông lò.

Mình chưa bao giờ thử nướng đồ trong lò vi sóng kiêm nướng này, vì nhìn ẻm quay tròn và thanh nhiệt đỏ rực khi nướng mà mình thấy… sốt ruột quá chừng  😎 . Chủ yếu để hâm nóng và nướng sơ bánh mì trước khi ăn thì tạm ổn nhen.

Trong 3 loại máy trong bếp kể trên, theo mình nếu bí bách lắm thì có lẽ NCKD sẽ làm tốt chức năng nướng và đa chức năng hơn lò thủy tinh và lò vi sóng – nướng.

Nên mua lò nướng loại nào? Loại lò nướng phổ biến tại Việt Nam
Lò nướng sẽ giúp bạn nướng bánh ngon và đỡ tốn thời gian canh chỉnh hơn các loại máy khác rất nhiều

❗  ❗ Tóm gọn lại, để nướng thành công một chiếc bánh đúng nghĩa thì chiếc lò bạn chọn phải:

  • Có đủ nhiệt trên và nhiệt dưới
  • Chỉnh riêng được nhiệt trên, nhiệt dưới và thời gian
  • Khoang lò tối thiểu 30 lit để đảm bảo khoảng cách giữa bánh và các thanh nhiệt

Chia sẻ kinh nghiệm dùng một số lò nướng

Cho tới nay, mình đã dùng qua 4 chiếc lò và được dùng ké 1 chiếc nữa, nên mình chia sẻ đôi dòng về các lò này nhé. Nếu bạn có ý định mua thì xem như có thêm review từ người dùng thực tế – là mình, hen  😉 .

Lò Pensonic 60L

Đây là chiếc lò đầu tiên mình sắm khi mới chân ướt chân ráo học làm bánh. Giá mình mua năm 2016 khoảng hơn 2 triệu ớ. Lò 60 lit nên khoang lò khá rộng, có thể nướng cả con gà luôn. Mình lựa chọn mua thời điểm đó là do giá cả, kích thước lò phù hợp với nhu cầu tập làm bánh lúc đó.

Chia sẻ kinh nghiệm dùng một số lò nướng
Chiếc lò đầu tiên mà mình dùng khi bắt đầu học làm bánh

Nhiệt lò lên hơi chậm (nên tốn thời gian làm nóng lò hơn một chút), và cũng tụt khá nhanh khi mở cửa lò do cửa kính chỉ có 1 lớp thôi. Sau vài lần thử nhiệt thì mình thấy nhiệt chênh khoảng 15 độ, thanh nhiệt dưới yếu hơn nhiệt độ cài đặt. Đó, “bệnh” của ẻm có vậy thôi, còn lại ngon lành cành đào  😀 .

Lò sàn 1 khay Ukoeo RP11

Đây là chiếc lò mà mình chấp nhận làm… chuột bạch  😛 . Mình đắn đo giữa lò sàn Southstar và Ukoeo, Southstar thì có tiếng lâu rồi ha, còn Ukoeo mấy năm gần đây thấy… lên quá nên mình thử mua luôn. Giá khoảng 7,5 triệu. Lò khá to và nặng khoảng hơn 30 kg. Bếp nhỏ chắc sẽ phân vân lắm nè, nhìn bả thù lù một cục chiếm hết chỗ luôn á  😆 .

Chia sẻ kinh nghiệm dùng một số lò nướng
Lò sàn Ukoeo 1 khay này có thể nướng 6 cốt gato 20cm á

Tham khảo lò sàn Ukoeo trên Shopee

Nhiệt lò chuẩn cả nhiệt trên và nhiệt dưới, nhưng do mình không quen dùng lò mà không thể di chuyển được vị trí đặt khay nướng bánh nên cũng lọng cọng điều chỉnh để bánh ra lò vừa ngon, vừa dễ nhìn.

Một điểm cộng cho lò sàn Ukoeo này là không cần phải đi lại đường dây điện cho đủ tải, nên cũng đỡ phiền cho những nhà không thể điều chỉnh đường điện. Mình khá kỹ nên cũng đi hẳn một đường dây riêng có aptomat luôn. Vì công suất lò sàn Ukoeo 1 khay này cũng khá lớn (khoảng 4600w) nên dù nướng 1 cái bánh cũng thấy hơi xót điện tiêu thụ  😀 .

Bù lại, nếu có kinh doanh thì lò này tha hồ nướng luôn, nhiều nhất được tới 6 bông lan size 20cm/ mẻ, đỡ mất công và thời gian rất nhiều.

Ban đầu cũng máu me muốn thử kinh doanh nên mình sắm trừ hao…  😛 , nhưng rồi không sắp xếp được thời gian, mình không buôn bán. Mỗi lần thèm bánh, làm mấy cái ăn chơi chơi mà bật cái lò lên thấy xót điện quá chừng 😎 . Nhu cầu mình không tới đó, thế là mình đành bái bai em lò sàn Ukoeo, dù thấy rất thương. Lúc người ta tới chở ẻm đi mà mình không nỡ luôn á  😳 .

Sanaky 80L VH-809N2D

Chia sẻ kinh nghiệm dùng một số lò nướng
Lò Sanaky 80L VH-809N2D có dung tích lớn, giá rẻ và dùng khá ổn – Ảnh: Internet

Tham khảo lò Sanaky 80 lit tại Shopee

Sanaky 80 lit VH-809N2D là chiếc lò mà mình sử dụng được một thời gian ngắn. Sanaky là thương hiệu rất phổ biến, dễ mua, dễ sử dụng và giá khá rẻ nữa.

Diện tích khoang lò khá rộng, cửa kính 2 lớp nên nếu dùng trong gia đình, bán bánh online chút đỉnh thì rất phù hợp. May mắn chiếc lò mình mua có nhiệt chênh tầm 10 độ thôi, nhiệt cũng đều và ổn định nên mình khá ưng em này.

Vì là lò nướng thùng gia đình (tuy có quạt) nhưng mỗi lần cũng chỉ nướng được một khay thôi, không “tham” hơn được  😀 . Giá lò khoảng 2,5 triệu. Khi sử dụng mình chỉ hơi lăn tăn một xíu về chuyện bể kính. Vì trên nhiều nhóm làm bánh thấy có vài ca “khoe hình” lò Sanaky, nên hơi lo. Nhưng đến giờ người nhà mình dùng thì vẫn ổn nhen.

Lò nướng Hauswirt C76S Pro

Lò nướng Hauswirt 75 lit C76s Pro
Lò nướng Hauswirt 75 lit C76s Pro

Chiếc lò hiện tại mình dùng để nướng bánh là em lò nướng Hauswirt C76S Pro này đây ạ.

Model này hiện tại chỉ có một màu xanh mint dễ cưng thôi nha. Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết chi tiết review lò nướng Hauswirt C76S Pro của mình ha.

Cho tới nay, đây là lò nướng gia đình mình thấy hài lòng và rất kích thích mình làm bánh  😆 .

Tham khảo lò Hauswirt C76S Pro

Lò Ukoeo 70 lít HBD 7002

Đây là chiếc lò mình được dùng ké khi về quê ^^. Giá lò khoảng 4,5 triệu.

Lò Ukoeo này có nhiệt đều và ổn định, nhưng nhiệt cũng lên chậm và bị tụt nhiệt kha khá nếu thao tác đóng mở cửa lò không nhanh. Nói chung lò Ukoeo thùng nướng các loại bánh cần nhiệt dưới 230 độ rất ok, các bánh cần độ giòn như bánh mì, pizza thì dùng tạm cũng được nha.

Chia sẻ kinh nghiệm dùng một số lò nướng
Lò nướng Ukoeo là một trong những thương hiệu lò được dùng phổ biến – Ảnh: Internet

Tham khảo lò Ukoeo 70 lit

Cách kiểm tra nhiệt lò và làm sao để HIỂU LÒ?

Với các bạn mới bắt đầu làm bánh, mình nghĩ 1 chiếc nhiệt kế lò tốt sẽ hữu ích nếu muốn kiểm tra nhiệt lò nướng mới mua như thế nào. Chủ yếu để xem mức độ chênh nhiệt có quá cao (từ 30 độ trở lên) không.

Cách kiểm tra nhiệt lò và làm sao để HIỂU LÒ?
Nhiệt kế lò tốt là một trong những dụng cụ cần để canh chỉnh nhiệt lò mới mua – Ảnh: Internet

Nếu lò mới mua có độ chênh lệch quá cao giữa nhiệt vặn và nhiệt thực tế trong lò thì tốt nhất nên… đổi lò khác hoặc nhờ bộ phận hậu mãi tới canh chỉnh lại nha.
Nhưng thường thì tâm lý của mình lại không muốn ai chỉnh sửa gì món đồ mới toanh nên mình nghĩ đổi lò khác sẽ tốt hơn. Vì vậy, mua lò ở những nơi uy tín, có chế độ bảo hành, sửa chữa, đổi trả linh hoạt sẽ đỡ phiền toái hơn những nơi khác nha.

Nhiệt kế lò tốt sẽ cho kết quả chính xác hoặc sai số thấp hơn nhiệt kế dỏm. Cách thử đơn giản lắm  😉 .

– Bật lò, vặn 150 độ, đặt nhiệt kế lò ở rãnh giữa, ngay chính giữa lò. Sau khoảng 20 phút xem kết quả.

  • Nếu nhiệt kế chỉ đúng 150 độ -> lò của bạn không chênh nhiệt, nhiệt ổn định, yeahhhh  😛
  • Nhiệt kế chỉ 170 độ -> lò bị nhiệt CAO hơn thực tế 20 độ
  • Nhiệt kế chỉ 130 độ -> nhiệt lò yếu, THẤP hơn thực tế 20 độ

– Nhiệt kế sau 20 phút đầu chỉ X độ, sau đó lại nhảy lên hoặc nhảy xuống vài chục độ (không giữ ở mức nhiệt cố định) thì em lò này đã bị loạn nhiệt rồi nè. Cần đổi trả về nơi… bán gấp nha, xài em này vài lần là stress vì canh nhiệt luôn ớ  😎 .

Biết nhiệt lò nướng của mình là một chuyện, biết cách điều chỉnh làm sao để nướng bánh chín-ngon-đẹp mới gọi là HIỂU LÒ nhen chị em  😉 .
Thông thường, sau vài mẻ bánh “lên bờ xuống ruộng” bạn sẽ bắt được bệnh của lò nướng của mình dựa vào tình trạng bánh trong khi nướng và sau khi nướng. Từ đó có giải pháp riêng cho từng ca, từng loại bánh thôi. Ví dụ:
  • Đáy bánh vàng sậm hoặc cháy, mặt bánh chín non -> nhiệt dưới cao, nhiệt trên thấp
  • Mặt cháy nâu sậm, đáy bánh còn ướt, chưa chín -> nhiệt dưới thấp, nhiệt trên cao
  • Nướng bánh quy mà góc trái gần quạt vàng cháy xém, các chỗ gần cửa lò chưa kịp chín -> góc trái gần quạt nhiệt cao, góc gần cửa nhiệt yếu hoặc do mở cửa lò nhiều gây tụt nhiệt

Lưu ý chung khi dùng lò nướng

  • Lò nướng nào cũng có thể bị rò rỉ điện. Do đó, nếu không muốn bị tê tay khi chạm vào phần kim loại của lò lúc đang hoạt động thì nên có phần dây nối tiếp đất. Hoặc đi dép/ không để chân chạm đất khi tiếp xúc với lò nướng.
  • Lò thùng gia đình thường hay gặp tình trạng vỡ kính (mình nghe nói Sanaky hay gặp hơn các hãng khác). Để tránh tình trạng kính bị bể (do lò đang hoạt động mặt kính nóng mà gặp mát đột ngột) thì nên cẩn thận thao tác xịt nước khi nướng các loại bánh cần hơi ẩm nhiều.
  • Hạn chế làm rơi rớt đồ ăn lên các thanh nhiệt, vì chúng sẽ bắt nhiệt trực tiếp, nguy cơ tạo tia lửa gây cháy trong lò nướng.
  • Luôn làm nóng lò ít nhất 15 – 20 phút trước khi nướng.
  • Muốn vệ sinh lò nướng luôn sạch sẽ thì sau khi sử dụng, mình thường để lò nguội hoàn toàn, sau đó giặt khăn sạch với dung dịch vệ sinh bếp, lau chùi vài lần là sạch. Mình hầu như không xịt trực tiếp hóa chất vệ sinh lò để giữ các bộ phận như thanh nhiệt và khoang lò khỏi bị hư hại.
    Các bạn ưa sạch sẽ chắc cũng nghe mẹo dùng baking soda (muối nở) để làm sạch khoang lò phải không nè? Mình đã thử 1 lần sau khi làm heo quay da giòn  😆  và khoang lò mất đi lớp bóng phủ của kim loại và loang lổ nham nhở luôn  🙄 . Nên kinh nghiệm là không dùng baking soda vệ sinh lò nữa.
  • Các khay bán kèm theo lò thường có màu tối, mình không dùng khay này (kể cả khuôn màu tối) để nướng bánh. Vì chúng hấp thụ nhiệt nhanh, bánh sẽ cháy xém trước khi kịp chín, nguy cơ bỏ bánh cao hơn với dùng khuôn sáng màu đấy ạ  😎 .
  • Hạn chế bật quạt nướng đối với lò gia đình. Vì hoạt động của quạt sẽ làm nhiệt lò tăng lên, do đó nhiệt nướng bánh sẽ không còn chính xác nữa.
Lưu ý chung khi dùng lò nướng
Luôn làm nóng lò trước khi nướng ít nhất 20 phút là nguyên tắc cần nhớ khi dùng lò nướng

Khi lướt dạo trên các group làm bánh và dụng cụ làm bánh, câu hỏi mình thường hay gặp là “Tư vấn giúp em nên mua lò nướng loại nào, tầm abcd triệu với ạ?” Thực sự với câu hỏi này mình chưa bao giờ dám gõ bình luận “tư vấn dạo” một dòng lò nướng nào hết, dù cũng đã xài qua 4 – 5 lò rồi.

Ai dùng lò nướng cũng sẽ hiểu, thương hiệu lò có xịn đi nữa nhưng không hiểu lò nhà mình như thế nào thì khó nướng được bánh ngon phải không nè  😉 . Sai số về độ chênh nhiệt của lò, nhiệt trên ra sao, nhiệt dưới ra sao, góc nào nóng nhiều, góc nào nhiệt yếu… đều do chính chúng ta quan sát và rút ra kinh nghiệm khi “làm việc” với ẻm.

Mong rằng với kinh nghiệm thực tế chia sẻ bên trên của mình sẽ giúp các bạn có thêm thông tin và review hữu ích để dễ dàng hơn khi quyết định sắm lò nào phù hợp nhen.

Những bài viết liên quan

Trả lời