Dụng cụKiến thức cơ bản

Dụng cụ làm bánh cơ bản và cần thiết – những lưu ý bổ ích khi chọn mua cho người mới bắt đầu

Sự hào hứng có sức mạnh vô hình khi chúng ta thực sự quan tâm và yêu thích thứ gì đó, bạn nhỉ? Mình cũng vậy. Ban đầu mới tìm hiểu làm bánh, vì quá thích nên mình muốn sở hữu tất cả dụng cụ, khuôn khay, đồ trang trí bánh trái… Món nào cũng hấp dẫn và mình muốn ôm hết tất cả về nhà mỗi khi dạo cửa hàng dụng cụ làm bánh 😀 .

Điều đó phần nào làm mình thỏa mãn niềm yêu thích, nhưng nói thiệt là có nhiều thứ sau này lục ra, mình tự hỏi “sao hồi đó mình lại mua món này ta?”  🙄 . Nghĩa là mình đã tốn một mớ tiền vào những món mình thích chứ chưa phải là cần 😛 , và cũng khá lãng phí. Vì vậy mình nghĩ, bài viết này sẽ là gợi ý cho bạn những dụng cụ cơ bản, cần thiết khi mới bắt đầu tập làm bánh. Sau này khi đã có kinh nghiệm, xác định đầu tư thật xịn cho… “sự nghiệp” làm bánh thì lúc đó tự bản thân bạn sẽ biết món nào cần, món nào chưa ha  ^^.

Quan điểm của mình khi chọn mua đồ là cố gắng mua đồ tốt nhất trong khả năng  😉 . Theo mình, đồ tốt thì sẽ dùng lâu hơn, bền hơn (dĩ nhiên của bền cũng tại người  😛 ). Ví dụ như máy đánh trứng hàng tốt một chút vừa có thể đánh trứng, vừa có thể trộn mẻ bột ngon lành. Nhưng mua hàng kém chất lượng, công suất quá yếu thì đánh mãi trứng mới bông, hay vừa nhồi bột được một xíu thì… gãy bà que nhồi, lúc đó chắc sẽ dễ lên máu lắm ớ  😀 . Dụng cụ làm bánh mình thấy mua một lần mà nhiều khi dùng hoài luôn, nên về lâu về dài thì đâu cũng vào đó thôi à.

Tiếp nữa là hàng tốt gần như sẽ cho chất lượng sản phẩm tốt hơn, giảm thiểu… thiệt hại tiền bạc khi mẻ bột trứng đường bị hư, lần lượt dzô thùng rác  😛 . Lò nướng, nhiệt kế, nguyên liệu làm bánh… là những thứ dễ nhận biết hiệu quả (và hậu quả) nhất nè  😎 .

Có rất nhiều món đồ tốt nhưng giá lại khá mềm. Chẳng hạn khuôn gia công luôn rẻ hơn rất nhiều nhưng thành phẩm bánh thì không hề thua kém so với khuôn chính hãng. Chỉ là về hình thức, khuôn chính hãng đẹp và xịn hơn thôi  😛 .

Lò nướng

Lò nướng
Một chiếc lò có nhiệt ổn và sự HIỂU LÒ của người dùng giúp tạo ra những chiếc bánh ngon.jpg
  • Lò nướng là dụng cụ mình nghĩ đa phần chúng ta sẽ muốn mua đầu tiên nhưng… lại khá phân vân 😉 . Vì sao ư? Có thể vì chưa thực sự thấy được sự hữu ích của lò nướng, nên suy nghĩ nhà có gì tận dụng đó để làm bánh cũng được ^^. Vậy nên mới có những chiếc bông lan ra đời từ nồi cơm điện hay nồi chiên không dầu  😉 .
    Giá của một chiếc lò chất lượng ổn, mẫu mã đẹp thường từ vài triệu trở lên, chưa kể những lò cao cấp con số lên đến mấy chục triệu. Cái giá làm chúng ta đắn đo cho một thú vui khi chưa biết nó là nhất thời hay có thể đi đường dài…
  • Tuy nhiên, tùy điều kiện kinh tế và nhu cầu mà chúng ta lựa chọn lò cho phù hợp nhen. Đối với lò nướng, nhiệt lò là điều cần được chúng ta quan tâm nhất. Độ chênh nhiệt giữa nhiệt độ thực tế của lò so với nhiệt độ hiển thị khi được cài đặt càng thấp càng tốt.
    Thông thường, chênh lệch tối đa khoảng 30 độ C có thể chấp nhận, nếu con số lớn hơn thì tốt nhất nên liên hệ người bán để đổi lò hoặc sẽ khá vất vả để điều chỉnh khi nướng bánh sau này  :).
  • Với nhu cầu gia đình, mình nghĩ lò nướng khoảng 40-50 lit là đủ dùng rồi ạ. Nếu kinh doanh online nhỏ thì dung tích lò nên từ 60 lit trở lên.
    Dù lò to hay lò nhỏ, mình vẫn rất rất khuyến khích các bạn nếu muốn làm được một chiếc bánh thành công thì cực kỳ nên có lò nướng… đúng nghĩa. Dĩ nhiên, vẫn có thể tận dụng nồi chiên không dầu, lò nướng thủy tinh để làm một số loại bánh, nhưng sẽ rất mệt để canh và độ hoàn hảo của bánh cũng sẽ không được như dùng lò nướng chuyên dụng rồi nè  😉 .
  • Bạn có thể chọn lò gia đình, có điều kiện hơn thì có thể mua lò sàn, lò đối lưu…
    Bài này mình không nói chi tiết, các bạn có thể tham khảo bài viết kinh nghiệm chọn lò nướng của mình để có thông tin chi tiết hơn về kinh nghiệm lựa chọn lò, các ưu điểm và nhược điểm của các loại lò nướng nha.

Xem thêm Review lò nướng Hauswirt C76S Pro.

Nhiệt kế lò

  • Làm sao để biết được nhiệt lò thực tế là bao nhiêu? Dụng cụ chúng ta cần chính là chiếc nhiệt kế lò (phải là nhiệt kế chất lượng một chút nha). Có thể nói đây là dụng cụ rất cần thiết cho những bạn mới bắt đầu làm bánh.
  • Một chiếc nhiệt kế chất lượng, có độ chính xác cao sẽ giúp chúng ta biết được lò nướng có đang bị chênh nhiệt không, nhiệt độ chênh là khoảng bao nhiêu độ… Điều này giúp chúng ta HIỂU LÒ, từ đó điều chỉnh và thiết lập nhiệt lò cho phù hợp với từng loại bánh sau này. Chứ lỡ mua nhiệt kế dỏm thì nhiệt độ hiển thị bởi nhiệt kế và nhiệt độ vặn của lò cứ loạn xạ lên, lúc đó sẽ… đau đầu vì không biết nên tin thằng nào con nào 😀 .
  • Nên mua nhiệt kế vừa có móc treo, vừa có chân đế đứng để linh hoạt sử dụng trong nhiều tình huống nhen.

Máy đánh trứng/ trộn bột

Với máy đánh trứng, hiện nay phổ biến 3 loại: máy đánh trứng đa năng cầm tay, máy đánh trứng để bàn và máy đánh trứng để sàn phục vụ kinh doanh số lượng nhiều.

Máy đánh trứng cầm tay

Dụng cụ làm bánh cơ bản và cần thiết - những lưu ý bổ ích khi chọn mua cho người mới bắt đầu
Máy trộn đa năng cầm tay có công suất lớn có thể dùng để nhồi bột tốt

Như tên gọi, máy đánh trứng cầm tay được dùng chủ yếu để đánh trứng. Ngoài ra, máy còn được trang bị thêm que xoắn để nhồi bột nên chúng ta có thể kết hợp để nhồi bột, nếu nhu cầu nhồi mỗi mẻ không nhiều (dưới 300g bột khô) và cũng không làm quá thường xuyên.

Khi mua máy, mình nghĩ những yếu tố cần ưu tiên là công suất máy và nhãn hiệu. Máy đánh trứng cầm tay công suất 200 – 300W thì chỉ nên dùng để đánh trứng thôi, nhồi bột thì nguy cơ cao gãy que hoặc động cơ máy không kham nổi. Với công suất từ 450W trở lên thì đủ mạnh để sử dụng thêm chức năng trộn bột, đánh trứng cũng hiệu quả và nhanh hơn nữa.

Các hãng chị em có thể tham khảo là Kitchen Aid, Bosch, Philips, Bluestone…

Máy đánh trứng/ trộn bột để bàn

Đa chức năng tương tự như máy cầm tay, nhưng máy đánh trứng để bàn thì có thố trộn đi kèm và khi sử dụng chúng ta không phải bận tay để cầm nên khá chủ động và nhàn. Động cơ máy nằm ở phía trên và tách biệt với thố trộn nên nhiệt do motor gây ra cũng ít tác động đến khối bột như máy có motor nằm dưới đáy thố trộn.

Các thố trộn có dung tích khoảng từ 4 lít trở lên, nên khi lựa chọn cũng cần để ý đến công suất máy nhé. Công suất lớn cần kết hợp với thân máy vững chãi thì khi hoạt động mới đạt hiệu suất cao.
Các nhãn hiệu máy trộn đa năng để bàn tham khảo như Bosch, Kitchen Aid, Kenwood, B10, Unold, Joly…

Máy trộn đa năng để sàn

Đây là dòng máy công suất lớn với thố trộn 20 lít trở lên được dùng trong kinh doanh bánh chuyên nghiệp. Vì máy khá to và nặng (do thân máy làm bằng kim loại mới có thể ổn định, không rung lắc khi nhồi) nên thường được đặt trực tiếp trên sàn.

Kitchen Aid, Bosch, Eurodib, Fimar, Famag là những thương hiệu chuyên cung cấp máy trộn cao cấp. Ở phân khúc giá dễ chịu hơn, bạn có thể tìm hiểu B10, B20, Unold…

Máy nhồi bột gia đình

Dụng cụ làm bánh cơ bản và cần thiết - những lưu ý bổ ích khi chọn mua cho người mới bắt đầu
Máy nhồi bột Bear với động cơ nằm dưới đáy thố trộn nên dễ làm nóng khối bột

Nhu cầu làm bánh mì của chị em ngày càng nhiều, nhồi bằng tay phải nói là lên cơ và khá cực nên trên thị trường đã xuất hiện máy nhồi bột. Vâng, chỉ để nhồi bột thôi ạ  🙂 . Phổ biến là em Bear, từ 2lit, 3.5lit, 5lit đến 7lit.

Máy có động cơ nằm ở bên dưới đáy thố trộn nên nhiệt sinh ra khi máy hoạt động sẽ dễ làm nóng khối bột. Mình từng xài em 5 lit và với cách nhồi 5 giây, nghỉ 3 giây như cách các máy Bear hoạt động thì mình khá sốt ruột  😛 . Công suất máy nhồi từ 80 – 250W tùy dòng máy và không thể điều chỉnh tốc độ nhanh/ chậm nên nhồi xong mẻ bột khá mất thời gian. Với những bạn muốn làm bánh mì hoa cúc hay bánh mì mà trong hỗn hợp nhiều chất béo thì mình nghĩ không nên trông chờ nhiều vào máy này. Còn làm bánh mì ngọt hay bánh mì thường thì em này cũng giúp chị em đỡ mỏi tay nha  😀 . Các chị em đã dùng qua đánh giá cao em Bear 3.5 lit hơn các dòng khác.

Ngoài ra, các bếp bánh tại gia còn phổ biến máy nhồi bột và làm bánh mì tự động có động cơ nằm dưới đáy tương tự Bear, nhưng là hàng nội địa Nhật Bản nhen. Máy nội địa Nhật mình nghe review về độ khỏe “trâu bò” và nhồi ăn đứt máy nhồi của Bear  😛 . Nhưng chưa được dùng thử nên chưa biết độ chính xác bao nhiêu.

❗   ❗ Kinh nghiệm dùng máy đánh trứng/ trộn bột của mình là không nên trộn bột đúng bằng với thông tin nhà sản xuất đưa ra. Ví dụ, nếu nói máy trộn được 400g bột khô thì mình chỉ dùng khoảng 70% công suất máy (khoảng 300g bột khô thôi) để máy không bị quá tải và nhanh ngủm  😉 .

Thố trộn bột (mixing bowl)

Dụng cụ làm bánh cơ bản và cần thiết - những lưu ý bổ ích khi chọn mua cho người mới bắt đầu
Thố trộn bột bằng thủy tinh hoặc inox sẽ tiện dụng hơn thố bằng nhựa
Nếu làm bánh thường xuyên, nhất là bánh bông lan, thì thố (hay âu trộn) là thứ bạn nên có nha. Lưu ý cho thố trộn là nên chọn loại thành cao từ 20-25 cm, còn đường kính 20, 24 hay 26cm là tùy các bạn làm mỗi mẻ nhiều hay ít. Thành cao giúp đánh trứng hay trộn bột không bị văng ra ngoài. Thố bằng inox sẽ dễ vệ sinh, mới lâu và dễ đun cách thủy hơn là thố bằng nhựa.
Có thể sắm thêm thố có đế silicon ở đáy để khi thao tác thố không bị trượt nhen. Ngoài ra mình để ý thấy thố có đáy bầu tròn dễ vét và trộn đều hỗn hợp bột ở phần đáy hơn là đáy cao dạng vuông nè.
Ban đầu cơ bản mình cũng sắm 2 thố inox, một để đánh bông lòng trắng trứng, một để trộn hỗn hợp lòng đỏ. Bạn có thể sắm nhiều hơn nếu nhu cầu cần nha.

Đồ rây bột

Là dụng cụ mà bạn cần phải có trong bếp ít nhất 1 cái nha.
Kinh nghiệm của mình là lựa rây bột có mắt lưới càng nhỏ càng tốt. Để ngoài chức năng rây bột, mình còn có thể rây lọc các loại sốt lỏng sệt (sốt phô mai, sốt trứng sữa…) mịn mượt, không bị lợn cợn sau khi nấu. Chọn kích thước đường kính vừa với miệng thố.
Ngoài ra, chọn rây bột có giá móc (mấu) bám vào thành thố sẽ rất tiện khi thao tác bạn nha.

Cân điện tử

Dụng cụ làm bánh cơ bản và cần thiết - những lưu ý bổ ích khi chọn mua cho người mới bắt đầu
Một chiếc cân điện tử giúp đong đo nguyên liệu chính xác hơn
Vì làm bánh có những nguyên liệu cần độ chính xác theo gram nên một chiếc cân điện tử là cần thiết nhen chị em. Nên chọn cân có chế độ Tare để cân từng nguyên liệu riêng cho dễ dàng. Và nên chọn mua cân có mặt kính cường lực trong suốt để nhìn thấy con số và đựng thố cân được tiện lợi hơn.

Bộ thìa đong

Dùng để đong đo cho các công thức không dùng gram mà tính bằng thìa cafe, thìa canh hay nguyên liệu với số lượng nhỏ (vani, bột nở, cream of tar tar…). Tuy nhiên, với mỗi loại bột và chất lỏng có trọng lượng riêng và thể tích khác nhau, nên việc quy đổi từ teaspoon hay tablespoon sang gram cũng sẽ khác nhau nhen.
  • 1 thìa cafe = 1 teaspoon (tsp) = 5g bột hoặc 5 ml chất lỏng
  • 1 thìa canh = 1 tablespoon (tbsp) = 15g bột hoặc 15 ml chất lỏng

Phới lồng (whisk) và phới dẹt (spatula)

Phới lồng hay còn gọi là phới đánh trứng bằng tay. Nên chọn mua loại có các que kim loại dày, chắc chắn để trộn được lượng bột nhiều và đặc dễ dàng. Loại silicon có vẻ không bền bằng que xoắn kim loại, nhìn thì bắt mắt hơn nhỉ  😉 ?

Dụng cụ làm bánh cơ bản và cần thiết - những lưu ý bổ ích khi chọn mua cho người mới bắt đầu
Phới lồng nên mua loại bằng inox hơn loại bằng silicon

Phới dẹt hay spatula, khi mua chúng ta nên chọn loại silicon chịu nhiệt tốt. Chất liệu silicon giúp vét sạch hơn loại bằng nhựa. Đặc biệt silicon chịu nhiệt sẽ tiện dùng cho trộn bột ở nhiệt thường và khi cần đun nóng hỗn hợp trên lửa. Phần đầu và thân phới đúc liền một khối để bột lỏng không bị dính ngay phần gắn giữa đầu và que, dễ vệ sinh.

Khuôn nướng bánh đế liền/ đế rời

Khuôn tròn đế liền và khuôn đế rời, nên có ít nhất mỗi loại 1 cái, size 16, 18, 20 cm tùy vào nhu cầu gia đình. Nếu muốn mua khuôn lớn từ 22cm trở lên thì cần xem trước khuôn có vừa với khoang lò (nếu dùng lò nhỏ dưới 50 lit) hay không nhé.

Khuôn đế rời có thể dùng nướng khá nhiều loại bánh, hơn nữa còn có thể dùng làm các loại bánh lạnh như mousse và cheesecake, rất tiện dụng. Tuy nhiên, với các loại bánh có chất lỏng cao thì khuôn đế rời sẽ làm rò rỉ chất lỏng ra ngoài.

Với khuôn vuông cũng vậy, tùy nhu cầu mà bạn chọn mua nhé.

Khay nướng chữ nhật

Khay nướng chữ nhật dùng để nướng cách thủy, làm bông lan cuộn hay bánh quy hạnh nhân… rất nhiều công dụng. Tốt nhất chúng ta nên sắm một khay thành cao khoảng 4cm để tận dụng đa chức năng nhé.

Khi chọn khay chữ nhật nên chọn khay đúc để tránh rỉ nước khi nướng cách thủy và đừng quên chọn khay vừa với kích thước lò nướng nhen.

Khuôn cupcake

Những chiếc bánh nhỏ xinh này cần khuôn có đường kính khoảng từ 3-5 cm. Chúng ta có thể mua khuôn 12 hoặc 24 cup, tùy kích thước lò nướng. Hoặc bạn cũng có thể tận dụng những chiếc ca inox để linh hoạt không gian lò nướng cũng khá ổn đấy ạ.

Dụng cụ làm bánh cơ bản và cần thiết - những lưu ý bổ ích khi chọn mua cho người mới bắt đầu
Tùy nhu cầu mà bạn có thể chọn các loại khuôn khác nhau

❗  ❗ Lưu ý chung cho tất cả các loại khuôn khay là nên chọn khuôn sáng màu, không dùng khuôn khay màu sẫm vì dễ bắt nhiệt, gây cháy đáy và thành bánh. Nếu khuôn gia công thì nên chọn chất liệu nhôm tốt, cứng cáp để không bị ra ten nha (oxy hóa).

Giấy nướng chống dính, giấy bạc, vải nướng chống dính

Giấy nướng chống dính giúp lấy bánh ra khỏi khuôn dễ dàng sau khi nướng. Giấy dùng 1 lần hoặc có thể tận dụng thêm vài lần, nhưng hiệu quả chống dính kém đi và cũng dễ bắt nhiệt hơn khi nướng ở nhiệt độ cao.

Vải nướng chống dính có tính năng tương tự như giấy nên nhưng có thể dùng nhiều lần. Sau khi dùng chỉ cần giặt sạch là được nha. Nướng bánh bằng vải nướng cho thành bánh đẹp và mịn hơn giấy nến chống dính á, nhất là bánh bông lan phô mai Nhật Bản  😉 .

Giấy bạc dùng để gói thành khuôn khi nướng cách thủy, khi làm thịt heo quay nè, hoặc để che mặt bánh nếu không muốn mặt bánh bị quá vàng… Nói chung là nên có sẵn 1 cuộn trong bếp nàng nha.

Cọ quét

Theo mình, tốt nhất nên sắm 1 cọ silicon và 1 cọ lông mềm nha.

Cọ silicon để quét khuôn/ khay chống dính, quét sốt cho thịt cá… Cọ chổi lông mềm dùng để quét mặt bánh như bánh trung thu, quét mặt bánh mì hay quét bột dư trên mặt bánh nè 😉 .

Rack hong bánh (Cooling Rack)

Là dụng cụ dùng để… “phơi” bánh nguội hẳn sau khi nướng xong. Đối với rack hong, mình chọn loại lưới đan ô vuông, cảm giác chắc chắn và với các loại bánh bông lan các thanh lưới vuông sẽ làm bề mặt tiếp xúc của bánh không bị lõm sâu như rack hong chỉ có các thanh dọc song song.

Một số dụng cụ làm bánh có thể bạn CẦN

Nếu như bên trên là những dụng cụ cần thiết và cơ bản khi mới bắt đầu tìm hiểu làm bánh, thì bên dưới là một số thứ mà mình nghĩ cũng quan trọng, cũng cần, nhưng chưa nhất thiết phải sắm ngay khi bắt đầu.

Cây lăn bột (Rolling pin)

Dụng cụ làm bánh cơ bản và cần thiết - những lưu ý bổ ích khi chọn mua cho người mới bắt đầu
Cây cán bột tiện dụng để cán mỏng bột tạo hình

Dụng cụ để cán bột cho mỏng trước khi tạo hình.

Cup giấy

Rất cần thiết khi làm cupcake hoặc muffin. Bạn có thể chọn cup giấy mềm bằng với khuôn cupcake hoặc chọn cup giấy cứng để nướng trực tiếp không cần khuôn nhen.

Khuôn sứ (Ramekin)

Là chén sứ nhỏ dùng cho các món bánh flan, souffle… Nếu bạn thường xuyên làm các bánh này thì nên có nhé.

Dụng cụ làm bánh cơ bản và cần thiết - những lưu ý bổ ích khi chọn mua cho người mới bắt đầu
Khuôn sứ tiện dụng và an toàn khi nướng bánh flan và souffle

Khuôn bánh mì (Loaf pan)

Dùng để nướng bánh mì dạng ổ như sandwich, bánh mì mềm, bánh chuối, bánh bò…

Găng tay chống nhiệt

Cực kỳ hữu ích khi mang khuôn bánh nóng vừa nướng xong ở trong lò ra. Tuy nhiên, mình không ưng lắm mấy loại găng bự quá so với tay, nhưng đến giờ vẫn chưa tìm ra loại găng chống nhiệt ôm sát bàn tay để dễ thao tác hơn  😛 .

Dụng cụ tách lòng đỏ trứng

Thực ra thì việc tách lòng đỏ thuộc về kỹ năng, làm nhiều sẽ quen và có thể tách dễ dàng bằng 2 nửa vỏ trứng mà không cần dụng cụ hỗ trợ. Nhưng nếu bạn muốn dùng thìa tách thì có thể chọn mua nhé.

Dụng cụ làm bánh cơ bản và cần thiết - những lưu ý bổ ích khi chọn mua cho người mới bắt đầu
Dụng cụ tách trứng giúp các bạn mới tập làm bánh tách trứng dễ dàng hơn

Tiếp đến là một số loại dụng cụ mà… nếu như bạn không thuộc team ghiền các loại bánh đó đến mức phải làm nhiều lần để thưởng thức thì chưa nên mua. Có điều kiện thì đa dạng kho đồ của mình lên cũng tốt, mà không mua thì cũng không sao cả  😉 .

  • Khuôn Baguette lỗ dùng để tạo hình và nướng bánh mì baguette, bánh mì Việt Nam. Bánh này mình vẫn tạo hình không cần khuôn được nhen.
  • Khuôn pizza để nướng bánh pizza.
  • Khuôn tart để làm bánh tart.
  • Tấm nướng silicon Silpat: Tấm nướng chống dính tương tự như giấy nến nhưng dùng được nhiều lần. Tuy nhiên, đã có vải nướng và giấy nến thì mình nghĩ tấm nướng cũng chưa cần thiết lắm.
  • Nhiệt kế để đo nhiệt độ chất lỏng như các loại sauce, nước đường bánh trung thu, hỗn hợp làm kẹo…
  • Khuôn bánh trung thu
  • Khuôn nhấn bánh quy

Mình có bỏ sót món nào không nhỉ? Khi bắt đầu mình chỉ sắm ít ít vậy à, học làm bánh này bánh kia cũng khá ổn  🙂 .

Những bài viết liên quan

Trả lời